Dinh Dưỡng Và Ẩm ThựcMẹo VặtSản PhẩmSức KhỏeThị TrườngTiêu DùngTin Tức

Sự Thật Về Muối Hồng Himalaya

Rate this post

“Cơn khát” muối hồng

Được khai thác chủ yếu tại mỏ Khewra thuộc lãnh thổ Pakistan, cơn sốt “muối hồng” đã khiến cả khu vực trở nên nhộn nhịp, nhiều người còn ví loại muối này như “vàng trắng” vì lợi nhuận mà nó mang lại. Trong vài năm trở lại đây, “muối Himalaya” đã trở thành một sản phẩm mà người tiêu dùng thèm khát, dù nó có mức giá đắt hơn 10 đến 20 lần muối ăn thông thường.

Muối hồng Himalaya được sử dụng và dễ dàng tìm thấy trong ẩm thực cao cấp, spa trị liệu, hay thậm chí là trang trí nội thất với những bộ đèn đá cực kỳ sang trọng.

Nhưng nổi bật nhất vẫn là sản phẩm “muối hồng Himalaya ăn liền” được bán rộng khắp nước Mỹ qua các chuỗi bán lẻ truyền thống như Walmart, Whole Foods và cũng dẫn đầu về doanh số trong mảng gia vị trên trang bán lẻ lớn nhất thế giới – Amazon.

Nguồn gốc:

Hơn 200 triệu năm về trước, dung nham đã nhấn chìm một phần biển ngay khu vực chân núi Himalaya. Phần muối khổng lồ được bao phủ bởi một lớp đất đá và băng tuyết trong một thời gian dài, ngăn cản ô nhiễm do con người tạo ra. Vì thế, những viên muối hồng được khai thác hiện nay được đánh giá là loại muối tinh khiết nhất trên thế giới.

Không những thế, việc nằm sâu dưới lòng đất còn giúp muối hồng sở hữu hơn 80 loại khoáng chất, trong đó có không ít loại bổ trợ cho chế độ dinh dưỡng như Phospho, Brom và Kẽm.

Dựa trên những đặc tính trên, các “chuyên gia mạng” đã liên tục tung ra hàng loạt khẳng định “trên trời” về muối hồng Himalaya như:

  • Hỗ trợ quá trình hô hấp, chữa xoang, loãng xương, gia tăng ham muốn tình dục …
  • Giúp cải thiện giấc ngủ.
  • Giúp người dùng “tẩy độc da” với loại kem dưỡng làm từ muối hồng.
  • “hít muối hồng” sẽ chữa được hen suyễn (kèm theo link bán sản phẩm).

Nhưng sự thật thì …

Rene Ficek, chuyên gia dinh dưỡng của Trung tâm Thực phẩm Seattle cho hay: “Muối hồng hiện đang được sử dụng rất nhiều, nhưng công dụng của nó đã bị “thổi phồng” quá mức. Trên thực tế, hàm lượng khoáng chất trong muối Himalaya quá ít để tạo nên sự khác biệt. Không những thế, chúng ta đã luôn bổ sung những khoáng chất đó qua thực đơn hằng ngày thông qua các loại hạt, rau, thịt …”

Không ít trang web khẳng định muối Himalaya chứa từ 13 – 14% khoáng chất, nhưng trên thực tế con số này chỉ nằm ở mức 3-5%.

Ngoài ra, do được khai thác thủ công, muối hồng Himalaya hoàn toàn không chứa i-ốt cần thiết cho cơ thể. Theo Kelsey Mangano, phó giáo sư Đại học Massachusetts: “Mọi người cứ tưởng muối hồng là một viên “vitamin tổng hợp”, đây là một khái niệm hoàn toàn sai lầm. Chúng ta cần rất ít khoáng chất trong dinh dưỡng hằng ngày, và chỉ cần bổ sung 8 loại để tránh khỏi tình trạng thiếu hụt.”

Còn theo Jeff McGrath, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Westchester, chỉ cần tuân thủ một thực đơn cân bằng và lành mạnh thì sẽ chẳng cần sử dụng “muối hồng”.

Và nếu bạn còn thắc mắc màu hồng đẹp mắt trên từ đâu ra, bác sĩ Catherine Brennan cho hay: “Oxit sắt, hay còn gọi là rỉ sét.”

Một số trang web bán hàng còn cố tình trích dẫn “báo cáo khoa học” nhằm gia tăng niềm tin của khách hàng, nhưng trên thực tế, các luận điểm trên đều được lấy từ nghiên cứu hiệu quả của muối ăn thông thường. “Tôi không tìm được bất kỳ dẫn chứng xác thực nào nói về hiệu quả từ việc tiêu thụ muối Himalaya.” – theo bác sĩ Mangano.

Tiêu biểu nhất là cam kết “bù chất điện giải”, điều mà cả muối ăn thông thường hoặc nước tăng lực đều làm được.

Kết luận

Suy cho cùng, lợi ích của muối Himalaya không khác muối ăn bình thường là bao, chưa kể thói quen “tôn thờ” loại thực phẩm thần kỳ này còn khiến nhiều người trở nên “lạm dụng” muối, và tiêu thụ muối quá liều sẽ làm gia tăng nguy cơ tim mạch, tăng huyết áp, tổn hại thận và dạ dày…

Ở một khía cạnh khác, muối Himalaya hiện được chủ yếu khai thác từ khu mỏ nằm ở phía Nam của dãy núi, được kiểm soát bởi chính quyền Pakistan. Mỏ muối Khewra dù đã được cải tạo thành một khu du lịch phức hợp, nhưng nằm sâu trong núi vẫn là một môi trường làm việc hà khắc.

Từ thời nằm dưới ách thống trị của thực dân Anh, những người thợ mỏ đã bị đối xử như nô lệ. Nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện nhiều so với ngày nay, khi chính quyền Pakistan chỉ trả mức lương tối thiểu: 2,5 USD (gần 60.000 VNĐ) cho mỗi tấn muối khai thác được.

 

Đây là một điều đáng suy ngẫm khi người tiêu dùng Mỹ đang chi hơn 36 USD (khoảng hơn 840.000 VNĐ) cho mỗi cân “muối hồng ăn liền”, đây được xem là một nghịch lý chưa có lời giải đáp.

Theo Trí Thức Trẻ, hình ảnh tổng hợp từ internet

Show More

Bài Viết Liên Quan

Trả lời

Back to top button