Milton Hershey: Vị đắng thành công
Tôn chỉ của Hershey đã phát triển dựa vào những phương pháp sản xuất hiện đại nhất có sẵn, theo khẩu hiệu: “Thanh sôcôla Mỹ tuyệt vời nhất”.
Là một trong những nhà sản xuất đồ ngọt hàng đầu thế giới, được biết đến nhiều nhất thông qua thương hiệu “nụ hôn Hershey” (“Hershey Kiss”), ít ai có thể hình dung được quãng thời gian đầy gian nan mà ông chủ tập đoàn Milton Hershey đã trải qua để có được ngày nay.
Những thất bại đầu tiên
Milton Hershey là tên viết tắt của Milton Snavely Hershey hay còn gọi là Henry Hershey. Ông sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin lành không khá giả tại vùng hẻo lánh bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Trong khi phần lớn những người sống xung quanh đều hài lòng với các công việc tại trang trại, Henry Hershey, cha đẻ của Milton Hershey lại tỏ ra hứng thú với việc kinh doanh.
Ông bắt đầu với nhiều khoản đầu tư, kể cả khoan dầu. Tuy vậy, tất cả những công việc kinh doanh đều thất bại, điều này khiến thu nhập của ông rất thất thường.
Trong một khoảng thời gian dài, những dự án khác nhau của Henry Hershey khiến gia đình ông phải di chuyển hết từ thành phố này đến thành phố khác, làm gián đoạn việc học của con trai ông.
Năm 1872, chàng thiếu niên Milton Hershey được nhận vào học việc tại một nhà máy kẹo ở gần Lancaster. Tới năm 1876, Hershey đã nhanh chóng có đủ kỹ năng để tự mình bước vào con đường kinh doanh kẹo.
Ông vay tiền họ hàng rồi chuyển đến Philadelphia và bắt đầu làm kẹo cứng và caramen. Ông bán kẹo trên chiếc xe đẩy. Công việc này kéo dài 6 năm, nhưng sau cùng, những tranh chấp giữa ông và cha đã khiến kinh doanh không thu được lợi nhuận.
Cuối năm 1882, Hershey theo chân cha đến miền Tây, đến Colorado. Ông kiếm được việc làm caramen tại một nhà máy kẹo.
Trong quá trình làm việc, ông đã học cách để cải tiến hương vị kẹo bằng cách thêm sữa tươi. Hershey chuyển từ Denver đến Chicago và New Orleans, Louisiana trước khi định cư tại New York.
Ông làm việc ở một nhà máy kẹo và bên cạnh đó tự tạo ra loại caramen của riêng ông dựa vào công thức ông đã tìm ra ở Colorado. Dần dần, ông mở công ty kẹo riêng. Công việc kinh doanh của công ty thất bại vì ông đã phát triển nó quá vội vàng.
Milton Hershey rất hào phóng nhưng một số người vẫn cho rằng ông là một ông chủ trả nhân công rẻ mạt và rất khắt khe. Đôi khi, ông đến kiểm tra công nhân và cố gắng bắt họ dành giờ nghỉ để làm việc.
Ông còn không đầu tư cho quảng cáo. Có một câu chuyện kể rằng khi ông nhìn thấy vỏ bọc thanh sôcôla Hershey vứt trên đường, ông đã lật nó lại để cho tên kẹo lộ ra – như một kiểu quảng cáo tự do.
Thành công từ sự độc lập
Năm 1886, chủ yếu dựa vào những mối quen biết, sau khi gom đủ số vốn cần thiết, Milton Hershey đứng ra thành lập công ty Lancaster Caramel. Công ty phát triển nhanh chóng và Hershey cũng sớm trở nên giàu có. Khi công ty Caramen Lancaster phát triển, Hershey chuyển sang quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm khác.
Vào năm 1892, ông đến Thụy Sĩ để học cách làm pho mát. Trong chuyến đi, ông đã tìm ra cách làm sôcôla sữa.
Năm sau, Hershey mua thiết bị làm sôcôla và bắt đầu bán cùng với caramen. Nhưng Hershey sẵn sàng thử nghiệm cái mới nên ông đã bán công việc kinh doanh caramen chỉ để dành cho sôcôla.
Ông không thực sự muốn giàu có hơn. Thay vào đó, ông có kế hoạch xây thành phố của riêng ông – nơi mà công nhân có thể kiếm đủ tiền để tận hưởng cuộc sống.
Bạn bè và gia đình ông đều cho rằng đây là một ý tưởng kỳ lạ. Theo Joel Glenn Brenner trong bài “The Emperors of Chocolate” (Những ông hoàng Sôcôla) thì vợ ông đã cho rằng chồng mình “nên kiểm tra lại đầu óc”.
Tuy nhiên, những phản đối trên đã không ngăn cản được Hershey. “Thành phố Sôcôla” của riêng Milton vẫn tiếp tục được xây dựng trên mảnh đất quê hương ông.
Năm 1905, ông mở nhà máy sôcôla. Công việc đã bắt đầu ở thành phố với sự quy hoạch các khu phố và đặt tên cho các phố chính của Hershey là: Chocolate Avenue and Cocoa Avenue.
Công nhân chuyển đến ở những ngôi nhà mà ông đã xây cho họ. Hershey kiêm nhiệm vai trò vừa là lính cứu hỏa, cảnh sát và thị trưởng của thành phố.
Tại nhà máy, Hershey và nhân viên đã hoàn thiện loại sôcôla sữa rồi bắt đầu bán tại Mỹ. Nhà máy hiện đại của Hershey tăng tốc độ sản xuất sôcôla sữa mà trước đó đã được làm thủ công.
Hershey đã giao cho một nhân viên kỳ cựu – William Murrie – phụ trách kinh doanh, còn ông và vợ tiếp tục những chuyến đi của mình.
Họ cũng dùng tài sản để mở trường Công nghiệp Hershey cho trẻ mồ côi. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1923 với New York Times, Hershey đã giải thích lý do tại sao ông thành lập trường: “Tôi không có người thừa kế, vì vậy tôi muốn các cậu bé mồ côi ở Mỹ trở thành những người thừa kế của tôi”.
Ngày nay, thành phố Hershey – bang Pennsylvania – nơi được mệnh danh là “thành phố ngọt ngào nhất” vẫn tiếp tục được những người trong dòng họ gìn giữ và phát triển. Dù đã trải qua một thời gian dài nhưng tâm huyết và ý tưởng ban đầu của Milton Hershey đã trở thành tôn chỉ kinh doanh của tập đoàn.
Theo doanhnhansaigon.vn